Giúp con phát triển kỹ năng phát biểu

Ngôn ngữ là một tài sản quý giá mà con người có được để giao tiếp với nhau. Rèn luyện ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ là một việc rất quan trọng đối với trẻ nhỏ nhằm trao đổi thông tin một cách chính xác với những người khác theo cách có ý nghĩa.

Sau những buổi họp phụ huynh thì cha mẹ biết con mình ít khi chủ động phát biểu. Bực một nỗi là khi con chạy nhảy chơi đùa với các bạn thì hò hét nhức hết cả đầu. Khi mẹ hỏi con tại sao thế, con trả lời “con nhút nhát.” Sao lại thế được cơ chứ? Tất cả các thành viên trong gia đình ông bà nội ngoại 2 bên, tới bố mẹ, ai cũng ăn to nói lớn mà tại sao con lại sợ phát biểu được cơ chứ? Thật là vô lý!

Học sinh tiểu học, trong lớp thường có một số bạn phát biểu rất hăng hái, to, rõ ràng, và có một số bạn không thích phát biểu, nói lí nhí khi được cô gọi, hơn nữa việc lên bảng phát biểu hay thuyết trình trước cả lớp là một nỗi sợ kinh hoàng. Có những trường hợp con không thuộc bài, hoặc không hiểu bài và cảm thấy thiếu tự tin khi phát biểu thì dễ hiểu, nhưng có nhiều trường hợp con thích bộ môn đó, con rất hiểu bài, những phát biểu thì lại là rất khó khăn. 


Nói lí nhí, ngại phát biểu, sợ phát biểu, sợ trình bày trước lớp.. là các biểu hiện của thiếu tự tin. Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực và đổ cho “Ông Trời”: “cha mẹ sinh con Trời sinh tính”, “tính cách nó vậy rồi, phải chịu thôi, chứ nhà này có ai vậy đâu”. 

Nhiều cha mẹ áp dụng những phương pháp truyền thống để giúp con như: 
    “Mạnh dạn lên con!”, 
    “Phát biểu ở lớp học là điều bình thường.
    “Cô giáo bảo là bạn B ngồi cạnh con lúc nào cũng hăng hái chủ động phát biểu mà sao con lại không thế.
    “Con mà mạnh dạn phát biểu, bố sẽ thưởng món đồ con thích.
    “Con mà không phát biểu để cô phàn nàn là mẹ sẽ không cho con đi chơi với bạn trong 1 tuần.

Học sinh khi đi học, chúng đều có nhu cầu được ghi nhận và chứng tỏ bản thân. Phát biểu ý kiến là một chứng tỏ bản thân rất rõ và nhận được sự ghi nhận từ những người xung quanh như bạn bè thầy cô. Tuy nhiên, con lại sợ phát biểu, vậy thì nguyên nhân là gì?

Thường thì các nỗi sợ hãi là:
– Sợ nói ra bạn bè chê cười. Thực tế có những bạn khác đã từng phát biểu sai và cả lớp cười và trêu đùa sau đó.

– Sợ sai và cô không khen.
– Sợ ý kiến của mình quá tầm thường, ai mà chả biết điều đó cơ chứ.
– Sợ bị cho rằng không khiêm tốn (cha mẹ Châu Á hay dạy con phải biết khiêm tốn).
– Nỗi sợ phát biểu nói chung vì ở nhà cũng chẳng bao giờ được lắng nghe ý kiến. (trường hợp này rất nhiều).

Khi ở vào trạng thái sợ hãi, các cơ ở mặt căng lên làm mặt con căng thẳng, và cơ ở cổ căng lên nên đường thở con bị bóp lại, hơi ra được ít, cơ hàm và lưỡi cũng căng cứng nên cử động khó khăn, âm thanh lời nói tạo ra bị lí nhí là như vậy. Để giúp con tự tin hơn khi phát biểu trên lớp, cha mẹ hãy lắng nghe chia sẻ từ con, hãy:

1. Khơi gợi để con tự nói ra bằng ngôn ngữ của con.
– Cha mẹ có thể miêu tả những biểu hiện thường ngày của con và nêu ra sự khác biệt như: “mẹ thấy là khi con chơi với các bạn ở nhà, con nói rất nhiều, hò hét rất to, rất thoải mái và rất vui nhưng con lại phát biểu li nhí trên lớp.”
– Cha mẹ có thể động viên con bằng những câu nói như: “Cô giáo nói với bố rằng con rất thông minh, hiểu bài nhanh và phát biểu xây dựng bài học rất đúng nhưng lại ít khi chủ động phát biểu.”

2. Chấp nhận mọi ý nghĩ, cảm xúc con chia sẻ. Rất có thể con sẽ hé lộ nhiều điều bất ngờ. Đừng dạy dỗ, chỉ bảo, gợi ý con điều gì lúc này:
– “Con đã giơ tay ngay khi cô giáo không gọi.” 
– “Con bị các bạn cười vì nói nhịu.”
– “Con không biêt lí do nhưng lần nào phát biểu thì giọng con lại bé.”

3. Đào sâu thêm cảm xúc của con, ghi nhận, không phán xét:
– “À, vậy ra là con không cảm thấy công bằng nên lần sau con không muốn phát biểu nữa.”
– “Con cảm thấy xấu hổ khi các bạn cười con vì nói nhịu.”
– “Lúc đó con không kiểm soát được cơ thể mình.”
– “Mấy ngôi sao có vẻ không hấp dẫn được con nữa rồi.”

– “Cô giáo vẫn rất vui vẻ kể cả khi con phát biểu sai.”

4. Điều hướng con đến với mục tiêu cao hơn:
– “Vậy chắc con sẽ muốn được cô để ý và gọi nhiều hơn đấy nhỉ?”
– “Giá mà con có cách để khiến các bạn nể phục hơn.”
– “Cơ thể của con mà tại sao lại không điều khiển được nhỉ, phải làm sao đây?”
– “Mẹ đoán là phải có 1 cái gì đó khác ngoài mấy ngôi sao mới đáng để con trai mẹ phấn đấu.”

Chỉ lắng nghe và ghi nhận, không đưa ra giải pháp, không đưa ra đánh giá nhận xét của bố mẹ sẽ làm con cảm thấy tự tin hơn, vì khi đó, con cảm thấy những cảm xúc của mình, những suy nghĩ của mình không sai trái, không tội lỗi, có lý do nên mới cảm thấy/nghĩ như thế, và khi con phải nghĩ ra các giải pháp cho chính mình (vừa tầm của con) thì con sẽ cảm thấy sẽ kiểm soát được môi trường bên ngoài và dần dần con sẽ trưởng thành hơn. Nếu cha mẹ đưa giải pháp, gợi ý cho con, thì con sẽ cảm thấy mình chưa tự chủ được.

Sẽ có cha mẹ nói rằng con không có giải pháp nào cả thì phải gợi ý cho con chứ. Trong trường hợp đó, hãy xác minh xem có phải thật sự con muốn một giải pháp nhưng không nghĩ ra được hay không. Hãy xác minh bằng cách đưa ra một “mức giá”: nếu con muốn một gợi ý thì hãy làm việc abc cho mẹ, mẹ sẽ gợi ý cho con. “Mức giá” sẽ là thước đo để biết con cần gợi ý tới mức độ nào.

Ngoài việc xử lý các tình huống sự vụ, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con được quyền và phải có nghĩa vụ phát biểu ý kiến ở nhà trong các việc tưởng như đơn giản: ăn cơm giờ nào, ăn cơm món gì, kê đồ đạc ở đâu, những mục tiêu của gia đình trong năm là gì, quy tắc giữ trật tự trong gia đình như thế nào, con muốn học môn nào, không muốn học môn nào, vì sao… Sự tự tin của con sẽ phát triển bằng sự dân chủ tại chính gia đình vì gia đình là nơi thân thuộc nhất mà con không thể đưa ra ý kiến cá nhân thì chắc chắn con sẽ cảm thấy tự ti ở ngoài xã hội.

TRUNG TÂM ANH NGỮ RES

Website: www.res.edu.vn
Hotline: 0979 043 610
Facebook: www.fb.com/LuyenThiIeltsSo1VietNam
Youtube: www.youtube.com/@IELTSRESEnglishSchool

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *