Khủng hoảng tâm lý đối với trẻ em

Chúng ta cũng biết, giai đoạn đầu đi học, trẻ có thể bị xáo trộn tâm lý, tuy nhiên phần lớn mọi người không quá quan tâm đến điều đó, vì cho rằng thời gian sẽ khiến trẻ quen dần. Tuy nhiên, trẻ mới đi học dễ gặp phải các vấn đề tâm lý như lo lắng, sợ hãi, chán ăn, căng thẳng, sống thu mình lại trước bạn bè… Người thân cần hiểu và giúp trẻ vượt qua được những khủng hoảng đó.

Định nghĩa khủng hoảng tâm lý ở trẻ nhỏ.

Tình trạng khủng hoảng tâm lý là trạng thái hoảng loạn, mất thăng bằng cảm xúc và lý trí khi một người phải đối diện hoặc trải nghiệm những sự kiện bất ngờ, khủng khiếp, gây cho người ấy cảm giác mất an toàn nghiêm trọng hoặc gây cho họ cảm giác bị đe dọa, mất mát về tính mạng, nhân cách, tình cảm, tài sản, sự tôn trọng và vai trò, vị trí xã hội.

Biểu hiện nhận biết trẻ bị khủng hoảng.

Tùy thuộc vào lứa tuổi, sự hiểu biết cuộc sống, khả năng thích ứng với thử thách mà trẻ có những biểu hiện khủng hoảng tâm lý khác nhau. Do đó, việc quan sát, nhận biết sớm nhằm đánh giá những “dấu hiệu bất thường” của trẻ sau khi trải qua biến cố khủng khiếp là việc tối cần thiết để có biện pháp can thiệp thích hợp, giúp trẻ sớm vượt qua khủng hoảng, hòa nhập với cuộc sống, tránh hậu quả lâu dài vì tổn thương tâm lý. Các “dấu hiệu bất thường” có thể gặp ở trẻ thường được chia làm 3 giai đoạn.

  • Giai đoạn đầu: (ngay hoặc sau khi xảy ra một sự kiện khủng khiếp, trẻ chứng kiến hoặc chính trẻ phải trải qua biến cố đó), trẻ dưới một vài tuổi thường chưa nhận thức được tính nguy hiểm của sự kiện gây ra khủng hoảng, nên những phản ứng với khủng hoảng, thường chỉ khóc ré, hoảng sợ, hay giật mình, khóc mớ khi ngủ. Trẻ lớn hơn, có biểu hiện run sợ, tái mặt, có thể tiểu vãi ra quần, la khóc, kích động, chạy trốn người lạ…
  • Giai đoạn diễn biến: Trẻ nhỏ thường ít có diễn biến tâm lý bất thường, nếu nguyên nhân gây khủng hoảng đã chấm dứt. Đôi khi, trẻ có thể gặp ác mộng, ngủ mớ, rụt rè, nhút nhát, sợ người lạ, hoảng sợ khi gặp đối tượng gây bạo hành, nhất là khi nguyên nhân gây khủng hoảng tái lập. Trong khi đó, trẻ lớn có thể bị rối loạn cảm xúc: sợ hãi, tách rời, kích động, dễ giận dữ, lo âu, hoảng loạn, mặc cảm tội lỗi; trẻ cũng có thể bị rối loạn hành vi: né tránh tiếp xúc với người khác, cách ly xã hội, tránh đến những nơi gây ra khủng hoảng trước đây, tránh những hoạt động gợi nhớ khủng hoảng quá khứ, mất hứng thú trong học tập hoặc các hoạt động thường ngày vốn dĩ trẻ vẫn từng tham gia trước đây. Tư duy của trẻ trở nên chậm chạp, mất tập trung, đờ đẫn, hay nhầm lẫn, hay quên, ngủ mớ, gặp ác mộng, tưởng tượng, suy diễn theo chiều hướng tiêu cực, để rồi lo âu, sợ sệt, hoang mang. Thể chất của trẻ cũng bị ảnh hưởng từ hậu quả của khủng hoảng tâm lý. Trẻ khó ngủ, sợ ngủ gặp ác mộng, hay giật mình, tiểu dầm, mệt mỏi, uể oải, đau mỏi toàn thân một cách mơ hồ, ăn uống kém, kém hấp thu và kiệt sức dần…
  • Giai đoạn kết thúc: Nếu được phát hiện và xử trí thích hợp, được trợ giúp tích cực từ gia đình, nhà trường, xã hội, các tổ chức xã hội chuyên nghiệp, có khi cần đến chuyên gia tâm lý, sẽ giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng tâm lý bất ổn, vượt qua khủng hoảng, hòa nhập cộng đồng. Ngược lại, nếu trẻ không được quan tâm đúng mức, không được trợ giúp tích cực, ký ức khủng hoảng từ tiềm thức cứ “bơm” vào nhận thức của trẻ, đẩy trẻ rơi vào trạng thái tổn thương tâm lý có thể nặng nề, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách trẻ và hiệu quả học tập cũng như chất lượng sống sau này.

Cách xử trí với khủng hoảng ở trẻ.

Khi trẻ có những dấu hiệu kể trên nghĩa là bé đang rất lo lắng, sợ hãi khi phải đến trường. Khi đó, điều ba mẹ cần làm là trấn an trẻ, dành thời gian động viên, chuẩn bị tâm lý cho trẻ và bản thân mình. Vì nếu ba mẹ không đủ bình tỉnh, không đủ kiên nhẫn và cả cứng rắn, sẽ rất dễ “mềm lòng” và không thể giúp trẻ bình ổn lại tâm lý. Để con không sợ trường mầm non, bố mẹ hãy :

1. Cân nhắc độ tuổi và mức độ gắn bó tình cảm của trẻ đối với gia đình, ba mẹ để quyết định thời điểm nên cho trẻ đến trường khi nào.

2. Phải làm sao để trẻ đến trường một cách thoải mái, vui vẻ, tự nguyện.

3. Trước khi cho trẻ đi học, cần nói chuyện trước với con về chuyện đó. Không nên để bé cảm thấy đột ngột về việc đi học.

4. Nên khuyến khích con ý thức tự tập.

Thường xuyên kể cho trẻ những chuyện thú vị xung quanh ngôi trường mầm non mà trẻ học để tạo sự hứng thú đi học nơi trẻ.

Giải thích cho trẻ hiểu vì sao trẻ cần phải đến trường như: con đã lớn và cần phải đi học giống như ba mẹ mỗi sáng đều phải đi làm; khi đến trường con sẽ có nhiều bạn chơi cùng rất vui, con sẽ được cô giáo dạy hát, dạy đọc thơ… Khi trẻ hiểu được ý nghĩa của việc phải đến trường sẽ khiến trẻ cảm thấy thoải mái và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

TRUNG TÂM ANH NGỮ RES

Website: www.res.edu.vn
Hotline: 0979 043 610
Facebook: www.fb.com/LuyenThiIeltsSo1VietNam
Youtube: www.youtube.com/@IELTSRESEnglishSchool

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *